* Nhiều loại tội phạm được kiềm chế, kéo giảm
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, trong 9 tháng năm 2024 các loại tội phạm như: giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được kéo giảm đáng kể so cùng kỳ. Đó là kết quả đáng khích lệ, ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và sự đồng hành của Nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cũng còn một số hạn chế nhất định: một số loại tội phạm có chiều hướng tăng như làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tăng, trong đó các địa bàn xảy ra nhiều như: thành phố Tây Ninh, Gò Dầu 17 vụ; Hòa Thành: 09 vụ; Tân Châu: 05 vụ; Dương Minh Châu 05 vụ.
Có thể kể đến vụ việc gần đây như sự xuất hiện một số văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh để thông báo kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm chức năng và các cơ sở bán lẻ thuốc tây trên địa bàn tỉnh… nhằm trục lợi bất chính, gây hoang mang cho các cơ sở kinh doanh. Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh đã phát hành Thông báo số 4034/TB-SYT, ngày 01/10/2024 cảnh báo người dân cẩn trọng với các văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Các văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc,
Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh.
Hoặc như trường hợp của người đàn ông tên T, 62 tuổi, ngụ Thành phố Tây Ninh, thông qua messenger, đối tượng "QN" dụ ông T đầu tư mua bán tiền điện tử USDT trên sàn UTSpeed với lãi suất từ 3% đến 4%/ngày. Anh T đã tin tưởng chuyển khoản 14 lần vối tổng số tiền 3,4 tỷ đồng để đầu tư, sau đó không rút được tiền về tài khoản. Anh liên lạc lại với “QN” thì đối tượng này thì nhận được thông báo tài khoản “QN” không tồn tại. Hay như trường hợp anh L, 40 tuổi, ở huyện Tân Biên, thấy trang Alibaba quảng cáo trên mạng xã hội nên truy cập vào, thông qua messenger, anh L kết nối với một đối tượng được cho là nhân viên hướng dẫn, sau đó anh L được hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để trò chuyện, được hướng dẫn tạo cửa hàng trực tuyến theo các đường link để anh giao dịch mua bán và phương thức thanh toán bằng USD. Khi khách vào cửa hàng mua món hàng nào thì anh L phải dùng tiền của mình chuyển vào kho 83% giá trị món hàng đó rồi kho mới xuất hàng bán cho khách. Khách trả tiền thì anh L nhận được 100% giá trị món hàng đã bán, trung bình mỗi món hàng anh bán sẽ nhận được 20% tiền lời. Các món hàng bán đầu tiên anh thu được lợi nhuận và rút được tiền về tài khoản của mình nên tin tưởng tham gia nhiệt tình. Tuy nhiên qua gần 2 tuần, anh chuyển khoản mua hàng gần 623 triệu đồng nhưng chỉ nhận lại được hơn 94 triệu đồng, sau đó anh đã đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc để nhờ hỗ trợ.
Qua các vụ việc trên có thể thấy đa số các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin về hành vi, thủ đoạn của tội phạm, ham lợi trước mắt, thiếu cảnh giác của một số người dân để thực hiện hành vi phạm tội…
* Chung tay phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thời gian tới, thiết nghĩ, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, sinh viên, học sinh. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin tình hình tội phạm đến người dân để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; vận động Nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm; tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
Công an tỉnh tổ chức Lễ ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Các cơ quan chức năng tăng cường mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với công dân cung cấp thông tin có giá trị, tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Đối với công dân, cần nghiên túc tuân thủ, sống, làm việc theo pháp luật; tích cực phối hợp, hỗ trợ, tố giác, cung cấp thông tin giúp cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo, không tham lợi, tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng. Nếu gặp trường hợp đối tượng lạ yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, có thể trực tiếp liên hệ, trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692.348.560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời. Hoặc khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn hoặc hoạt động tương tác trên mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo, mọi người nên bình tỉnh lưu lại số điện thoại, hình ảnh để làm chứng cứ và thông báo kịp thời đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh qua 02 số điện thoại sau để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý:
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông: 0276.3631.168.
Phòng Công nghệ thông tin - Bưu chính viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông: 0276.3813.111.
Hoàng An - Hoài Nhân
Tác giả: Công an tỉnh
Ý kiến bạn đọc