Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Trãi
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh.
- Đồng chí Đại tá Tạ Văn Đẹp - Tỉnh uỷ viên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
- Đồng chí Đại tá Lý Hồng Sinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
- Đồng chí Đại tá Nguyễn Hiệp Sơn – Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ĐẢNG BỘ CÔNG AN TỈNH
Trải qua 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Tây Ninh, sự phối hợp của các lực lượng vũ trang, ban ngành, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Công an tỉnh Tây Ninh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.
1. Công an Tây Ninh ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
Thực hiện chỉ đạo của Đảng trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, đêm 25/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, lực lượng cách mạng và quân dân Tây Ninh đứng lên giành chính quyền từ tay địch. Các lực lượng tự vệ nhanh chóng bắt giữ những tên đầu sỏ trong bộ máy tay sai chính quyền địch như Lê Văn Thạnh tỉnh trưởng, Đốc phủ Tô Ngọc Đường, Y sĩ Hà Văn Sua...
Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng vừa giành được, đầu tháng 9/1945, Quốc gia tự vệ cuộc Tây Ninh được thành lập (là tiền thân của lực lượng Công an Tây Ninh ngày nay). Ngay khi mới ra đời và hơn 2 tháng nắm giữ chính quyền, mặc dù lực lượng còn rất mỏng, nhưng Quốc gia tự vệ cuộc các cấp của tỉnh đã lao ngay vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và Nhân dân, đấu tranh xử lý, loại bỏ các thế lực phản động và tay sai, trừng trị nhiều tên Việt gian đầu sỏ ngoan cố.
Sau khi Pháp đánh tái chiếm lại tỉnh Tây Ninh (ngày 08/11/1945), Quốc gia tự vệ cuộc cùng các lực lượng cách mạng chọn các địa bàn trọng điểm của tỉnh để xây dựng căn cứ, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngay trong những năm đầu kháng chiến, trong năm 1946 Công an Tây Ninh thành lập Ban Rechage (Rờ-sạt), sau đó gọi là Công an xưởng, tập hợp và sử dụng một số công nhân của Hãng đường Thanh Điền (Châu Thành) về làm việc ở Ban Rechage, lấy võ đạn cũ của địch (chiến lợi phẩm thu được của địch và vứt bỏ), chế lại, làm lại đạn và sản xuất ra các khẩu súng đơn giản, đã giải quyết được nhu cầu trước mắt về vũ khí trong buổi đầu chống Pháp. Sau này tỉnh Tây Ninh sáp nhập vào tỉnh Gia Định Ninh (tháng 6/1951), Công an xưởng của Tây Ninh cũ được đưa về hợp nhất với xưởng của Công an Gia Định, tiếp tục lấy tên Công an xưởng Nguyễn Văn Lượng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an các cấp của tỉnh đã triển khai các mặt công tác để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ vùng căn cứ, chống địch lấn chiếm. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở, vận động quần chúng làm công tác bảo mật phòng gian, đồng thời tổ chức diệt tề, trừ gian trong vùng địch và trong sào huyệt địch. Lực lượng Công an Tây Ninh bằng nhiều biện pháp sáng tạo, mưu trí dũng cảm đã tổ chức phục kích đánh địch, chống càn quét hàng trăm trận, diệt 395 tên, bắt sống 31 tên, thu hồi 131 súng các loại. Ngoài ra còn tổ chức đánh đồn hàng chục trận, diệt 67 tên, có những trận chiến thắng vang dội như: Cuối năm 1947 đánh bót thầy Phỉ (Cầy Xuyên), diệt 7 tên địch thu 2 súng; đánh bót An Thạnh thu 21 súng, phục kích đánh đoàn Công voa của Pháp ở Cầu Khởi phá huỷ 17 xe quân sự, thu 40 súng các loại. Ngày 29/3/1954 đánh bót Oconel (Thanh Điền, Châu Thành) diệt 50 tên….
Lực lượng Công an còn triển khai làm tốt công tác phản gián, đưa cán bộ vào hoạt động hợp pháp trong lòng địch, qua đó nắm được nhiều tình hình quan trọng của địch về trước mắt và lâu dài, kịp thời tham mưu cho Đảng bộ tỉnh có đối sách đấu tranh, phòng ngừa chống âm mưu hoạt động đánh phá về quân sự và hoạt động do thám gián điệp của Pháp và các loại tay sai, góp phần xây dựng, củng cố vùng căn cứ cách mạng, lực lượng Công an cũng được phát triển và ngày càng vững mạnh, đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn của kháng chiến, góp phần cùng các lực lượng vũ trang của tỉnh đánh bại và giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Công an Tây Ninh chiến đấu, xây dựng và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).
Thi hành Hiệp định Geneve 1954, một số ít cán bộ chiến sĩ Công an Tây Ninh tập kết ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, phần lớn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an còn ở lại làm công tác “địch tình" theo sự chỉ đạo của Đảng, chiến đấu với địch trong hoàn cảnh mới đầy gian nan thử thách. Trong thời kỳ đấu tranh chính trị 1954 - 1960, CBCS Công an Tây Ninh “cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với Nhân dân, triển khai lực lượng làm công tác địch tình, tổ chức xây dựng cơ sở trong các cơ quan tình báo và đầu não của ngụy quyền, các đảng phái để nắm tình hình, âm mưu tổ chức và hoạt động của địch. Trước sự đàn áp khủng bố trả thù dã man của địch đối với những người kháng chiến cũ, để bảo toàn lực lượng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, trong giai đoạn này, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an các cấp của tỉnh đã trừng trị 266 tên tề, tình báo ác ôn các loại. Nổi bậc là việc Ban địch tình Tây Ninh chủ trương diệt tên Tổng thống Ngô Đình Diệm tại lễ khai mạc hội chợ triển lãm kinh tế Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột ngày 22/2/1957. Mặc dù cuộc ám sát không thành (chết tên bộ trưởng Canh nông, tên Diệm thoát chết trong gang tấc), nhưng gây được tiếng vang lớn, cán bộ an ninh khi bị địch bắt giữ vững khí tiết của người cộng sản, khi báo gây ly gián trong nội bộ địch, dẫn đến địch điều Dương Văn Minh, Tư lệnh biệt khu thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định xuống làm thư ký Bộ Quốc Phòng, Mai Hữu Xuân, Giám đốc Nha An ninh quân đội sang làm Giám đốc trường huấn luyện Quang Trung, Nguyễn Hữu Châu phải chạy trốn sang Pháp….
Tháng 5/1961, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Tỉnh uỷ Tây Ninh và lực lượng Công an Tây Ninh chính thức thành lập trở lại với tên gọi Ban An ninh Tây Ninh, các đơn vị nghiệp vụ Ban An ninh tỉnh và An ninh các huyện, thị nhanh chóng được thành lập. Được sự lãnh đạo của Ban An ninh R, Tỉnh uỷ, các cấp uỷ Đảng, lực lượng An ninh các cấp trong tỉnh dũng cảm, kiên cường bám trụ, tổ chức đánh địch ở các địa bàn trọng điểm. An ninh Châu Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ cùng các lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho ban, ngành trở về bám trụ để thành lập “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn" theo nghị quyết của Huyện uỷ đề ra. An ninh Gò Dầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở lại bám trụ đầu tiên ở các địa bàn “vùng ruột Gò Dầu", CBCS đã chịu đựng mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn nguy hiểm, cùng lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ đắc lực cho các chi bộ xã, đoàn thể trở về bám địa bàn, góp phần xứng đáng cùng các lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi trong 2 lần “Quyết tử giữ Gò Dầu " (lần thứ nhất tháng 5/1964, lần thứ hai đầu năm 1969).
Lực lượng An ninh các cấp trong tỉnh làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu phục vụ cấp uỷ các chủ trương, đối sách đấu tranh chống các hoạt động âm mưu đánh phá của các loại tình báo, gián điệp Mỹ ngụy. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, mưu trí, dũng cảm, trong Chiến lược “chiến tranh đặc biệt" của Mỹ, lực lượng An ninh các cấp đã luồng sâu, đánh địch ở vùng tranh chấp trong lòng địch, trừng trị gần 400 tên, bắt sống 210 tên. An ninh cùng các lực lượng vũ trang Chợ Cầu (Bến Cầu) tiêu diệt gần hết cứ điểm địch từ Long Giang đến Long Thuận. Tiêu diệt đồn Bàu Cỏ, bóc gỡ 84 mật báo viên ở địa bàn này. Vận động quần chúng đấu tranh phá lỏng, phá rã nhiều ấp chiến lược của địch, trong đó phá banh ấp chiến lược lớn như: Năm Ngọn và Phan của huyện Dương Minh Châu. Phát hiện bóc gỡ hàng chục tổ chức tình báo, gián điệp các loại của Mỹ - ngụy đánh vào vùng giải phóng, vùng căn cứ bắt 47 tên, trong đó có nhiều tên nguy hiểm thuộc các tổ chức tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy ở cấp tỉnh, vùng và cấp trung ương. Chủ động phòng ngừa công tác bảo vệ nội bộ, phát hiện, làm rõ xử lý 17 vụ nội gián bắt 33 tên.
Giai đoạn “chiến tranh cục bộ" từ năm 1965 - 1968, lực lượng An ninh các cấp của tỉnh vẫn kiên cường bám địa bàn trọng điểm, xây dựng lõm căn cứ chính trị, đào hầm, địa đạo, hầm chông, bẫy mìn, dũng cảm chiến đấu khi địch càn quét vào cùng căn cứ, bảo vệ an toàn cơ quan và lãnh đạo cấp uỷ. Lực lượng An ninh tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh phá ấp chiến lược, nhiều nơi giằng co hết sức quyết liệt. Lực lượng An ninh đẩy mạnh hoạt động vào vùng địch tạm chiếm và trong lòng địch, đã tổ chức diệt ác phá kềm diệt 299 tên ác ôn, tình báo, công an, cảnh sát, bình định, tề. Tổ chức và đưa cán bộ điệp báo vào hoạt động hợp pháp trong lòng thị xã, phục vụ các lực lượng nghiệp vụ kịp thời bóc gỡ, bắt giữ 96 tình báo, gián điệp đánh vào vùng căn cứ. Phục kích đánh địch diệt 81 tên, bắt sống 64 tên, trong đó có tên trưởng ty nội an tỉnh Hậu Nghĩa, 01 quận phó của tỉnh Kiên Giang…An ninh Châu Thành bắn rơi 01 máy bay trực thăng và 01 máy bay sâu rọm ở Bàu 5 Thé. Đặc biệt một trinh sát bảo vệ chính trị, trên đường đi công tác bị máy bay Mỹ truy đuổi để bắt sống, đồng chí dũng cảm dùng súng K54 bắn rơi 01 máy bay trực thăng của Mỹ, làm chết 2 tên Mỹ và trở về căn cứ an toàn.
Trong tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968, An ninh cùng các lực lượng vũ trang đã tiến công đồng loạt vào các căn cứ quân sự, kho tàng, hệ thống giao thông của địch từ cơ sở ấp, xã, quận lỵ đến trại giam, sân bay và cả tiểu khu Tây Ninh. Tiếp đó mở đợt hai (từ ngày 5/5 đến tháng 6/1968), tấn công địch ở nhiều địa bàn trọng điểm, gây cho địch thêm nhiều thiệt hại đáng kể. Kết quả qua 2 đợt tổng tấn công năm 1968, lực lượng An ninh đã tiêu diệt 203 tên cảnh sát, biệt kích, ác ôn; bắt sống 2 cảnh sát, 2 dân vệ. Đánh vào Trung tâm Chiêu hồi tỉnh diệt 40 tên và 2 lần đánh vào Ty Cảnh sát, diệt 30 tên cảnh sát, trong đó có một phó Ban Hoạt vụ.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, tháng 9/1969 Ban An ninh tỉnh thành lập Tiểu đoàn An ninh vũ trang, đây là lực lượng vũ trang công khai trực tiếp đánh địch, diệt tề. Giai đoạn từ năm 1969 đến cuối năm 1972, lực lượng An ninh các cấp cùng các lực lượng vũ trang diệt ác phá kềm, phục kích đánh địch đã diệt 507 tên lính sư 25, bảo an, phòng vệ dân sự ác ôn, biệt kích thám báo, bắt sống 202 tên. Ngoài ra còn giết và làm bị thương 410 tên Mỹ, bình định, thu 35 súng, 1.021 lựu đạn, bắn rớt 01 máy bay cá rô, phá huỷ 15 công sở tề. Trong số những tên bị bắt có nhiều tên là tình báo, do thám hết sức nguy hiểm của Mỹ - ngụy.
Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ban An ninh tỉnh được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia Tây Ninh và các đơn vị khác của cảnh sát, tổ chức tình báo, khám đường, Ty chiêu hồi. Lực lượng An ninh Tây Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chiếm lĩnh, tiếp quản các trụ sở, mục tiêu đầu não của ngụy quyền, các tổ chức tình báo của địch ở các cấp, cùng các lực lượng vũ trang, đập tan bộ máy chiến tranh và kềm kẹp của Mỹ - ngụy, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn tỉnh Tây Ninh ngày 30/4/1975.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, lực lượng Công an các cấp cùng quân đội tiến hành đăng ký cho 32.803 ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, cán bộ viên chức cũ trong tỉnh đến trình diện, và làm tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức học tập, giáo dục, cải tạo ngắn hạn, dài hạn cho số binh lính ngụy quân, ngụy quyền, viên chức, đảng phái cũ của địch...
3. Công an Tây Ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, Nhân dân vô cùng phấn khởi được sống trong nước Việt Nam hòa bình, thống nhất thì trên Biên giới, Pôlpốt-IêngSary đã chủ trương cho tiến hành các hoạt động khiêu khích vũ trang và lấn chiếm lãnh thổ ta ở biên giới, cướp bóc, giết hại Nhân dân ta. Cũng từ đây buộc quân dân Tây Ninh phải tự vệ, đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hết sức ác liệt suốt 4 năm liền. Để bảo vệ mình, lực lượng Công an vũ trang tỉnh (nay là Bộ đội biên phòng) cùng quân đội phối hợp chặt chẽ đánh trả hơn 300 đợt tấn công, đánh phá của địch, diệt 578 tên Khmer Đỏ, bị thương 173 tên, bắt sống 58 tên, tịch thu 21 súng…Tiêu biểu cho sự dũng cảm, kiên cường bám địa bàn đánh địch là đồn Biên phòng Xa Mát, quân số 39 đ/c trong suốt 7 ngày đêm chiến đấu, đánh trả, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của bọn Khmer Đỏ với quân số đông gấp hàng chục lần. Đồn Phước Tân quân số 40 đ/c, đã chiến đấu 49 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 200 tên địch, kiên cường bảo vệ đồn suốt nhiều ngày bị địch bao vây ác liệt. Ngày 31/10/1978 và ngày 06/11/1978, Đồn Biên phòng Xa Mát và Đồn Biên phòng Phước Tân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong nội địa: Do phản ứng thù địch giai cấp, một số quần tử trong ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái phản động cũ bắt đầu nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động, tập hợp lực lượng, tìm kiếm vũ khí, tiến hành một số vụ hoạt động phá hoại chính quyền ở cơ sở, giết người cướp của một số địa bàn vùng nông thôn, rãi truyền đơn tuyên truyền nói xấu Đảng, chính quyền cách mạng. Một số tổ chức còn chuẩn bị âm mưu bạo loạn, cướp chính quyền ở một số xã, huyện và cả tỉnh Tây Ninh. Lực lượng Công an Tây Ninh đã kịp thời phá, trấn áp trên 40 tổ chức phản động bắt 1.118 tên, diệt 27 tên, đầu thú 560 tên, thu hàng ngàn súng, hàng ngàn viên đạn, hàng tấn tài liệu tuyên truyền chống cách mạng, giáo dục cải tạo tại chỗ 869 tên. Đưa ra tòa án nhân dân xét xử tử hình 19 tên cầm đầu nguy hiểm, điển hình: Đầu tháng 5/1975 phá vụ án X92, bắt tên Năm Huỳnh, một tình báo viên của CIA đã chui sâu vào nội bộ Đảng ta và trở thành huyện uỷ viên huyện Tòa Thánh.
Từ tháng 4/1976 trở đi, thống nhất tên gọi theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, An ninh Tây Ninh đổi tên thành Công an Tây Ninh, bắt đầu tăng cường các biện pháp đấu tranh với bọn phá hoại, phát hiện hàng loạt tổ chức chính trị vũ trang, đập tan âm mưu của bọn phản động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, đồng thời tích cực đấu tranh phòng chống, truy quét tội phạm, ổn định trật tự trị an xã hội.
Cuối năm 1979, theo chỉ đạo của Trung ương, Công an Tây Ninh đã chuyển giao Công an vũ trang cho Bộ chỉ huy quân sự quản lý nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của 2 lực lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ đất nước.
Những năm 1980, cuộc tấn công phá hoại về mặt tư tưởng của các thế lực thù địch hết sức quyết liệt. Ở biên giới địch tăng cường hoạt động, trong nội địa các tổ chức phản động nhen nhóm nổi dậy, cấu kết với bọn phản động lưu vong nước ngoài tiến hành các hoạt động chống phá toàn diện và đi vào chiều sâu, cộng thêm vào đó là tình trạng vượt biên, buôn lậu … Tình hình đặt lên vai CBCS Công an gánh nặng nhiệm vụ cực kỳ nặng nề, khó khăn và đầy thách thức.
Phát huy truyền thống chiến đấu của ngành, Công an Tây Ninh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đấu tranh, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, lập hết chiến công này đến chiến công khác, phá vỡ âm mưu lật đổ chính quyền của tổ chức “Mặt trận thống nhất toàn lực lượng quốc gia giải phóng Việt Nam" tái lập đến 3 lần; “Hội đồng liên tôn phục quốc"của Phạm Hồng Phước; “Hội đồng hòa giải quốc tế" tái lập lần I của nhóm chức sắc, sỹ quan ngụy quân, ngụy quyền. Đặc biệt, lực lượng an ninh đã lập chiến công xuấc sắc khi tham gia chuyên án CM 12 của Bộ Nội vụ, tích cực góp phần phá tan tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" một tổ chức phản động được nước ngoài yểm trợ có quy mô lớn và cực kỳ nguy hiểm do bọn gián điệp biệt kích Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chuyên án kết thúc thắng lợi vào ngày 9/9/1984. Đây là vụ án lớn có liên quan đến những kẻ cầm đầu các tổ chức “Hội đồng hòa giải quốc tế" và “Thiên Khai huỳnh đạo" mà Công an Tây Ninh đã phá án trước đó.
Một trong những tệ nạn nhức nhối của Tây Ninh lúc này là tình trạng buôn lậu qua biên giới. Lực lượng Công an Tây Ninh tăng cường kiểm soát, truy quét, đã khám phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, tịch thu hàng hóa, nộp nhân sách nhà nước mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Từ năm 1983, sau Đại hội Đại biểu Công an tỉnh lần thứ V, công tác xây dựng lực lượng Công an có nhiều đổi mới hơn trước. Lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, nghiệp vụ.
Thời kỳ đổi mới đất nước, bắt đầu từ năm 1986 trở đi, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Công an Tây Ninh làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với nước bạn Campuchia, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, phối hợp giữa 2 bên để giải quyết các vấn đề có liên quan đến ANTT biên giới.
Trong nội bộ, lực lượng Công an Tây Ninh cũng tích cực đổi mới, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ để ngày càng đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, những năm gần đây, CBCS tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện mục tiêu cao cả của ngành “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" Công an các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trên lĩnh vực an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc, giữ gìn an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.
Công an Tây Ninh đã triển khai nhiều kế họach thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, góp phần thực hiện các chương trình có hiệu quả mục tiêu 4 giảm của tỉnh đó là giảm ma túy, giảm tội phạm, giảm mại dâm, và tại nạn giao thông. Mở nhiều đợt cao điểm, tấn công, trấn áp các loại tội phạm để bảo vệ an toàn các ngày lễ kỷ niệm của Đảng, dân tộc, tết, lễ hội, bầu cử Quốc hội, đại hội Đảng các cấp... Lực lượng Công an phối hợp cùng các ban, ngành mở hàng trăm lượt truy quét tấn công, trấn áp bọn tội phạm hình sự; thực hiện hiệu quả 4 khâu đột phá: cải cách hành chính, tổ chức cán bộ, công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác cải cách hành chánh đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Đến nay việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, đăng ký xe ôtô, mô tô chỉ trong một ngày, các thủ tục hành chánh khác nay cũng được thực hiện nhanh gọn hơn, chỉ bằng một nữa thời gian qui định. Nhờ vậy đã giảm bớt đáng kể sự lãng phí về thời gian và chi phí của Nhân dân. Hộp thư thoại cũng được lập ra để kịp thời cung cấp thông tin về các thủ tục đăng ký phương tiện giao thông, xuất nhập cảnh, quản lý hành chánh về trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy... cho Nhân dân. Tất cả những nỗ lực đổi mới ấy đều được Nhân dân đồng tình ủng hộ và khen ngợi.
Trải qua các cuộc chiến tranh, Công an Tây Ninh có hơn 600 người con ưu tú đã mãi mãi nằm xuống lòng đất mẹ. Uống nước nhờ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, CBCS Công an Tây Ninh đã cùng nhau đóng góp để khắc đá, dựng bia lưu danh các anh hùng liệt sỹ của ngành tại Khu di tích lịch sử Ban an ninh tỉnh, cùng chung tay xây dựng nhà tình nghĩa trao tặng cho các gia đình thương binh liệt sỹ, nhà đại đoàn kết cho CBCS lực lượng Công an xã, tuần tra nhân dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc có khó khăn về nhà ở, thăm tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách nghèo, tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hằng năm cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Hằng năm, tuổi trẻ Công an Tây Ninh tích cực tham gia hiến máu Nhân dân, làm công tác dân vận như đắp mới và sửa chữa hàng trăm km đường giao thông nông thôn, dựng nhà tình thương và thu hoạch hoa màu giúp dân.
Tiếp nối truyền thống Công an Tây Ninh tiếp tục xây dựng đội ngũ vững về chính trị tư tưởng, tuyệt đồi trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn ANTT, lập được nhiều chiến công, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.
Phát huy truyền thống vẻ vang qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Tây Ninh nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, siết chặt đột ngũ, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an tòa xã hội trong tình hình mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
II. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HIỆN TẠI
1. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng uỷ - Ban Giám đốc Công an tỉnh gồm: Phòng Tham mưu, Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cơ quan uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ Công an tỉnh
2. Số đảng bộ, chi bộ trực thuộc gồm: 29 chi bộ, đảng bộ cơ sở (12 đảng bộ, 17 chi bộ).
3. Đảng viên trong Đảng bộ Công an tỉnh thời điểm ngày 30/8/2022: 986 đồng chí (Chính thức: 948 đ/c, dự bị: 38 đ/c).
Ý kiến bạn đọc