Cán bộ chuyên trách, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng đông đảo, đóng vai trò là cầu nối đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Trong mọi giai đoạn của phát triển của cách mạng, cán bộ cơ sở là người gần dân, hiểu dân, nắm tâm tư nguyện vọng và trực tiếp giải quyết những nhu cầu hàng ngày trong Nhân dân.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24 tháng 4 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, theo đó quy định rõ phân loại xã phường, thị trấn loại 1 được quy định mức tối đa 14 người, tương đương với khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở; xã, phường, thị trấn loại 2 quy định tối đa 12 người, tương đương với khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; xã, phường, thị trấn loại 3 quy định tối đa không quá 10 người, tương đương với khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở. Căn cứ vào mức quy định trên thì người hoạt động không chuyên trách hàng tháng chỉ nhận mức phụ cấp từ 1.698.600 - 1.702.857 đồng/tháng/ người. Riêng đối với tỉnh Tây Ninh, ngày 26 tháng 12 năm 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnhTây Ninh. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hỗ trợ thêm 0,56 lần mức lương cơ sở và hỗ trợ theo trình độ chuyên môn (người có trình độ chuyên môn cao đẳng: 400.000đồng, đại học: 600.000đồng). Nếu như trước đây Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm xã hội là 14,8%, bảo hiểm y tế là 3% thì nay người hoạt động không chuyên trách phải tự đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với mức đóng 26,5%. Như vậy, thu nhập hàng tháng còn lại sau khi đóng các khoản là từ 2.199.607 – 2.799.607 đồng/người/ tháng. Người hoạt động không chuyên trách làm việc với tinh thần hăng say, trách nhiệm trong các phong trào, khối lượng công việc, thời gian làm việc gần như cán bộ, công chức, nhưng thu nhập rất thấp không thể đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình, một số người có cuộc sống rất khó khăn. Đó là một số nguyên nhân chính dẫn đến người hoạt động không chuyên trách dễ nghỉ việc, thường xuyên thay đổi. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương.
Để đảm bảo cuộc sống, ngoài tham gia công tác tại địa phương, người hoạt động không chuyên trách phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm thêm nguồn thu nhập như tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi, tăng gia sản xuất, bán hàng online, cạo mủ cao su…., qua đó có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Ông Nguyễn Minh Thương đang thu hoạch mủ cao su xung quanh nhà vào lúc 6 giờ sáng (Ảnh minh họa)
Một cán bộ Tuyên giáo ở đảng ủy xã tâm sự: “bBn thân có vợ làm nghề buôn bán nhỏ và hai con đang ở tuổi học hành, nếu sống chỉ dựa vào phụ cấp thì không thể lo cho gia đình. Vì vậy để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, trước đây tôi nhận cạo thuê cao su hàng tháng kiếm thêm khoản thu nhập gần 4 triệu đồng cùng vợ lo cho tổ ấm gia đình. Vào thời điểm công việc nhiều, hội họp thường xuyên, tôi phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để hoàn thành nhiệm vụ, hồ sơ do cấp uỷ, lãnh đạo giao. Trong lúc mọi người còn say trong giấc ngủ, tôi đã thức giấc từ lúc 01 giờ sáng để vừa đảm bảo thu hoạch cho chủ vườn, vừa không ảnh hưởng đến công tác tại địa phương". Có điều may mắn đối với anh là, tận dụng được quỹ đất trống xung quanh, anhtự tay trồng được khoảng gần 70 gốc cao su, nay đến kỳ thu hoạch nên gần một năm trở lại đây anh không phải làm thuê nữa.
Cũng là người hoạt động không chuyên trách khác đã gắn bó với công việc của mình được 29 năm, ở cái tuổi 48 nhưng anh vẫn nhận cạo mủ cao su thuê, người vợ vì sức khỏe không thể đi lấy mủ nên chỉ nhận công cạo với mức thu nhập 2 triệu đồng/ tháng.
Một trường hợp khác là hai vợ chồng đều là người hoạt động không chuyên trách ở một xã, với thu nhập hàng tháng bằng tiền phụ cấp chẳng được là bao, không đủ lo cho cuộc sống gia đình, vì vậy phải chăn nuôi kiếm thêm thu nhập, nếu vụ nào được mùa, được giá thì thu nhập được kha khá, còn khi xảy ra dịch bệnh thì cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Đây chỉ là những trường hợp là người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn huyện Tân Biên, đa số có tuổi đời đều rất trẻ, mang trong mình nhiệt huyết, nghị lực, khát khao muốn chung tay xây dựng huyện nhà. Tuy nhiên, với mức phụ cấp không đủ chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, đời sống còn nhiều vất vả khó khăn, nỗi lo trong cuộc sống đã ít nhiều tác động đến tư tưởng, khiến họ chưa thậg sự an tâm công tác.
Bất kỳ ai cũng đều có chung một niềm mong ước: “an cư thì sẽ lạc nghiệp". Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy thời gian tới, cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ không chuyên trách rất cần được sự quan tâm hơn nữa về chế độ phụ cấp, chính sách để họ an tâm công tác, phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng và vun đắp niềm tin, sự hy vọng, hoài bão, cống hiến sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Oanh Kiều
Ý kiến bạn đọc