Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Chính quyền và Công an xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) tổ chức tuyên truyền pháp luật cho bà con bản Tả Kố Khừ.
(Ảnh: Báo Điện Biên)
THẬN TRỌNG TRƯỚC CÁC HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI
Thời gian qua, sự xuất hiện gia tăng của các hiện tượng tôn giáo mới với những biểu hiện ngày càng phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội khiến dư luận hết sức lo ngại. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả, không cho phép các hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Thời điểm năm 2016-2018, sự xuất hiện nở rộ của cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa trời" (hay “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ") tại nhiều địa phương, tuyên truyền, cổ xúy cho việc bỏ gia đình, nhà cửa, đập bỏ bàn thờ tổ tiên, khước từ cha mẹ, tuyệt đối tin nghe theo sự chỉ bảo của “Đức Chúa trời" đã gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng khẳng định hoạt động của các nhóm tự xưng “Hội thánh Đức Chúa trời" tại nhiều địa phương là hoạt động vi phạm luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Đáng lo ngại là theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các “tín đồ" đi theo “Hội thánh Đức Chúa trời" lên đến hàng nghìn người, hoạt động rộng khắp ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Không được cấp phép hoạt động, một số cơ sở truyền giáo trái phép thuộc hội nhóm này bị buộc phải đóng cửa, những sai phạm bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời trên các phương tiện truyền thông cũng đăng tải nhiều bài viết nhằm cảnh báo người dân tỉnh táo, cảnh giác trước sự lôi kéo, dụ dỗ của tổ chức này. Tuy nhiên đến nay, “Hội thánh Đức Chúa trời" vẫn lén lút hoạt động tại một số địa phương.
Cụ thể như thời điểm tháng 9/2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, các hoạt động tụ tập đông người phải hạn chế, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh, song tại Thừa Thiên Huế, ngày 10/9, lực lượng công an đã phát hiện một nhóm người lạ mặt từ nơi khác đến, chiêu mộ quy tụ được khá đông “tín đồ" trên địa bàn để tham gia sinh hoạt trong “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ".
Vẫn kiên trì với “giáo lý" của riêng mình, đi ngược thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, nhóm người truyền giáo lạ mặt còn yêu cầu thành viên tham gia có trách nhiệm đi truyền đạo, chiêu mộ thêm người mới, tích cực đóng góp nhiều tiền bạc để “Hội thánh" ngày càng phát triển. Theo lời khẳng định của chúng thì chỉ có như vậy thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới được giải thoát khỏi đau khổ, nghèo đói! Nếu tỉnh táo nhận diện có thể thấy sự vô lý trong luận điệu “truyền giáo" mang dáng dấp của “kinh doanh đa cấp".
Hay như mới đây, tháng 4/2022, tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cơ quan chức năng phát hiện một số đối tượng có hành vi tuyên truyền, vận động người dân địa phương tham gia vào cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa trời tư gia". Thay vì phải lặn lội đến từng khu dân cư, các đối tượng lợi dụng sự tiện ích của mạng xã hội để truyền đạo trực tuyến. Phòng học “giáo lý" được mở trên Zoom, mỗi buổi sinh hoạt tập hợp chừng 30 - 40 thành viên tham gia; duy trì bốn buổi/tuần vào các buổi trưa, khoảng thời gian nhiều người thường rảnh rỗi. Ngay khi mới tham gia, các “tín đồ" lập tức phải đóng góp lệ phí để sinh hoạt, đồng thời được hướng dẫn ai có bệnh tật cần điều trị thì sẽ được “trị liệu riêng", “bảo đảm khỏi mọi loại bệnh", tất nhiên là có những điều kiện và chi phí kèm theo.
Có thể thấy, dù không có tư cách pháp nhân song những người điều hành hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời tư gia" vừa truyền giáo trái phép, vừa chữa bệnh bất hợp pháp để thu lời bất chính. Hậu quả tuy chưa được thống kê, song từ đây cho thấy không ít người dân vì cả tin, mê muội, đang dại dột giao phó tính mạng mình cho những đối tượng không đáng tin cậy, để bản thân rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, gia đình tan nát.
Đó chỉ là một vài thí dụ nhỏ nhưng đã phần nào cho thấy mức độ phức tạp và nguy hiểm của các hoạt động tôn giáo không chính thống đang âm thầm phát triển trong cộng đồng, gây ra những hậu quả khó lường. Hiện tượng tôn giáo mới cũng đang là một trong những vấn đề có tính thời sự của tôn giáo thế giới trong thế kỷ 21. Ước tính trong vòng 20 năm qua, trên thế giới có khoảng 20.000 hiện tượng tôn giáo mới với hơn 130 triệu tín đồ (trung bình mỗi ngày xuất hiện 2 - 3 tôn giáo mới).
Đáng lo ngại là sự xuất hiện của hiện tượng tôn giáo mới với sự nở rộ của các tà đạo với nhiều biểu hiện mờ ám, tiêu cực đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 đạo lạ, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt các tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Để hòng lôi kéo người dân tin và đi theo mình, có người tự xưng là “Chúa giáng thế", đưa ra những câu chuyện hoang đường, dụ dỗ người dân chỉ cần đi theo mình, ngày ngày nhất tâm cầu nguyện thì: “không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi". Có người thì dựng lên câu chuyện về “Đức Mẹ hiển linh" truyền cho mình sứ mệnh cao cả, đứng lên tập hợp mọi người tham gia với lý do: “Ai theo Đức Mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không cần chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán".
Những diễn biến phức tạp liên quan các hiện tượng tôn giáo mới thời gian qua đã và đang tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội. Đó là tuyên truyền mê tín dị đoan (uống “nước thánh" là mọi bệnh sẽ tiêu trừ; hủy hoại cơ thể để được siêu thoát; quan hệ tình dục tập thể với giáo chủ để nhanh đắc đạo…); lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số người dân để trục lợi, gây mất an ninh trật tự (tụ tập đông người để truyền đạo bất hợp pháp, kêu gọi người dân bỏ gia đình người thân để đi theo tà đạo, vận động người dân “càng đưa nhiều tiền và đọc kinh sám hối nhiều thì sẽ sớm được xóa tội, hưởng sung sướng"...). Lợi dụng hoạt động tôn giáo để lôi kéo người dân vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá chính quyền (tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn, không chấp hành lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, lợi dụng các vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận để kêu gọi người dân biểu tình,…).
Nguy hiểm hơn, một số tà đạo với sự tiếp tay của các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lôi kéo người dân tham gia những hoạt động trái pháp luật, gây rối hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị. Tiêu biểu có thể kể đến sự kiện xảy ra vào năm 1999 tại Tây Nguyên, một số đối tượng chống cộng, phản động lưu vong ở hải ngoại đã cấu kết với các “chân rết" ở trong nước, dùng chiêu bài tôn giáo để kêu gọi, mua chuộc người dân tham gia vào cái gọi là “Tin lành Đê ga" nhưng thực chất là kích động tư tưởng ly khai dân tộc, thành lập nên “Nhà nước Đê ga" hòng đối trọng với chính quyền hiện hành, và âm mưu một cuộc lật đổ chế độ.
Hay như năm 2006, tà đạo Hà Mòn xuất hiện tại Đắk Lắk, kêu gọi người dân bỏ rẫy, bỏ vườn, không cho con cái học hành, kích động tư tưởng ly khai, tự xưng là “Công giáo Đê ga". Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, tổ chức này nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ các đối tượng phản động sống lưu vong ở nước ngoài để âm mưu thành lập nhà nước riêng đặt trụ sở tại thành phố Pleiku.
Chính từ những biểu hiện thiếu lành mạnh, gây nguy hại, bất ổn cho xã hội, các tà đạo không được Nhà nước Việt Nam công nhận và cấp phép hoạt động. Song bằng nhiều con đường, thủ đoạn khác nhau, các tà đạo này vẫn hình thành nên mạng lưới chân rết tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, tiếp cận người dân để dụ dỗ, chiêu mộ tín đồ, tuyên truyền tín ngưỡng bất hợp pháp, thậm chí tổ chức những hoạt động mang màu sắc chính trị cực đoan, chống phá chính quyền.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái phép trên mạng xã hội có chiều hướng nở rộ, với những biểu hiện như: phát tán tài liệu, livestream tuyên truyền “giáo lý", lập các nhóm kín để vận động người dân tham gia,... Bên cạnh những người dân vùng sâu vùng xa, trình độ văn hóa hạn chế, thiếu thông tin, nhẹ dạ bị dẫn dắt, dụ dỗ trở thành tín đồ của tà đạo còn có sự xuất hiện của không ít người trẻ ham thích được trải nghiệm những điều mới mẻ, và cả những người có trình độ, uy tín trong xã hội. Đây là biểu hiện rất cần quan tâm. Rõ ràng, chiêu thức dụ dỗ của các tà đạo ngày càng tinh vi, khiến đối tượng bị mắc bẫy có thể là bất cứ ai.
Đáng chú ý, chúng thường lợi dụng người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang có nhiều ẩn ức, bức xúc trong đời sống để lôi kéo tham gia vào các hoạt động mang màu sắc tâm linh như một cách để tự giải thoát khỏi những bế tắc. Mặt khác, dù mang danh nghĩa hoạt động tôn giáo, các đối tượng chống phá, cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng, khoét sâu các vấn đề tiêu cực nổi cộm trong xã hội, các chính sách đối với tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ lên tiếng, xuống đường biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Những diễn biến phức tạp liên quan lĩnh vực tôn giáo thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng, đòi hỏi mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, đề cao cảnh giác trước các hoạt động phi pháp núp bóng tôn giáo, không để bị lôi kéo tham gia các tà đạo. Bởi rất có thể mình sẽ vô tình trở thành người tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật khoác áo tôn giáo gây hại cho xã hội, để rồi chính bản thân và gia đình bị liên lụy.
XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI PHẠM PHÁP
Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Công an xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) vận động người bản Trạm Púng chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật.
(Ảnh: Báo Điện Biên)
Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để người dân thực hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật, đồng thời kiên quyết ngăn chặn các hành vi núp bóng tôn giáo để chia rẽ vùng miền, gây mất đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ.
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Tính đến tháng 11/2021, tại Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận với 43 tổ chức tôn giáo; cả nước ghi nhận trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm xấp xỉ 28% dân số), cùng hàng chục nghìn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự. Đây là minh chứng cho thấy quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được bảo đảm và thực thi có hiệu quả trên thực tế. Và cũng để bảo đảm hiệu quả thực thi, các hành vi vi phạm pháp luật núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 6, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi: "Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau" và "lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".
Trước đó, sớm nhận diện tính phức tạp của vấn đề, năm 2003 tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ban hành ngày 12/3, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo đánh giá: "Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các vùng đồng bào tôn giáo, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước". Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ rõ: "Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định". Do đó, Nghị quyết yêu cầu: "Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật".
Tiếp tục nhất quán đường lối, chủ trương đối với công tác tôn giáo, tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong hệ thống các nhiệm vụ trung tâm và giải pháp chủ yếu thứ năm, Đảng ta nhấn mạnh: "Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước" (1). Đồng thời trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam nêu rõ: "Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (2).
Như nhiều quốc gia trên thế giới, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm, tôn trọng và phải tuân thủ pháp luật, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trước những diễn biến phức tạp của các hiện tượng tôn giáo mới, các hiện tượng núp bóng tôn giáo gây mất trật tự xã hội, thời gian qua các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp ban tôn giáo địa phương, tích cực rà quét, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn sự lây lan của các tà đạo, cảnh báo người dân tỉnh táo, cảnh giác trong việc lựa chọn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hợp pháp để tham gia. Nhiều vụ án liên quan tà đạo đã được xét xử công khai để người dân giám sát, đề cao cảnh giác. Như ngày 28/5/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động tại trụ sở UBND xã H'Ra, H.Mang Yang xét xử công khai tám bị cáo phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ luật Hình sự, liên quan tà đạo Hà Mòn. Hay như tháng 3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé. Đáng chú ý trong số 14 bị cáo, có sự xuất hiện của bốn đối tượng cốt cán cầm đầu tà đạo "Giê Sùa", đã được cơ quan chức năng cảnh báo tới cộng đồng từ trước đó.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những biện pháp kiên quyết để hạn chế sự lây lan của tà đạo gây bất ổn cho xã hội. Như để ngăn chặn sự hoành hành trái phép của "Hội thánh Đức Chúa trời", tại Hàn Quốc vào năm 2012, Hội đồng quốc gia các Giáo hội chính thức lên tiếng phê phán cho rằng, đây là "phong trào phạm thượng", đồng thời ban hành quyết định cấm mọi hoạt động của tà đạo này. Việc tẩy chay, phản đối "Hội thánh Đức Chúa trời" tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia mà phong trào này đặt chân tới. Tiêu biểu như Tòa thánh Roma đã ban hành nhiều văn thư lên án các sai lạc trong giải thích Kinh Thánh của "Hội thánh Đức Chúa trời" và coi đây là một "lạc giáo".
Bất chấp thực tế đó, các thế lực phản động, thiếu thiện chí luôn tìm mọi lý do hòng xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; vu cáo Nhà nước Việt Nam "đàn áp tôn giáo", "vi phạm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo"; đưa ra yêu cầu phi lý là phải đặt tôn giáo đứng độc lập, ngoài sự quản lý của Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, mượn cớ bảo vệ tự do tôn giáo, một số tổ chức, hội nhóm thường xuyên lập ra cái gọi là "phúc trình", "thư ngỏ", "nghị quyết" để lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bảo vệ các đối tượng vi phạm pháp luật, gây sức ép về ngoại giao, đòi can thiệp và các công việc nội bộ của nước ta. Nhận diện rõ vấn đề này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam một mặt thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân theo quy định của pháp luật; một mặt đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi chống phá, xuyên tạc tự do tôn giáo cũng như các hoạt động núp bóng tôn giáo để thực hiện những âm mưu đen tối.
Liên quan các hiện tượng tôn giáo mới, để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của các tà đạo ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị cũng như ban tôn giáo tại các tỉnh, thành phố. Về phía các lực lượng chức năng cần phải kiên trì, bám chắc địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Mặt khác, công tác vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân không tin và nghe theo các tà đạo cần đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là tuyên truyền trên không gian mạng, "trận địa mới" mà hiện nay các tà đạo đang âm mưu triệt để khai thác. Bên cạnh đó, cần không ngừng khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo trong công cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo gây bất ổn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ.
Cùng sự vào cuộc của lực lượng chức năng cũng rất cần sự hỗ trợ, chung tay tham gia của cả cộng đồng. Bởi hơn ai hết, những người dân cùng chung sống, sinh hoạt hằng ngày trên một địa bàn sẽ phát hiện sớm nhất sự nảy sinh của các hiện tượng tôn giáo mới. Do đó, cộng đồng cần tăng cường sự gắn kết, chia sẻ, nhận diện kịp thời những biểu hiện bất thường trong từng thôn xóm, làng bản, khu dân cư, cũng như những vấn đề khó khăn, khúc mắc ở mỗi cá nhân để cùng nhau tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ, theo đúng đạo lý nhân văn của người Việt, đó là "trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau". Sự quan tâm sát sao, ân tình trong cộng đồng dân cư sẽ góp phần quan trọng giúp mỗi cá nhân không bị lôi kéo, sa ngã vào các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng trái phép. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu không lành mạnh trong sinh hoạt tôn giáo, người dân cần kịp thời thông báo cho chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng để thực hiện việc giám sát và xử lý nếu có sai phạm. Đó cũng là cách hiệu quả để mỗi người tự bảo vệ bản thân và gia đình trước sự lôi kéo, tấn công của tà đạo, không bị dẫn dắt vào các hành vi vi phạm pháp luật.
Được tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là quyền chính đáng của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc thực thi quyền đó phải trong khuôn khổ luật pháp và đạo đức xã hội. Quan trọng hơn cả, đó là mỗi cá nhân phải hình thành thái độ sống tích cực và niềm tin lành mạnh để lựa chọn tôn giáo đúng đắn cho riêng mình, sống "tốt đời đẹp đạo", tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của xã hội bằng những việc làm có ý nghĩa./.
Hà Nhân (nhandan.vn)
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
___________________
(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.50-51, 171.
Ý kiến bạn đọc