“Tự soi, tự sửa” trong xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị; trách nhiệm tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên

Thứ năm - 21/04/2022 21:00 189 0

   Những thành quả của sự nghiệp cách mạng hơn 90 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để xứng đáng vai trò lãnh đạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và thường xuyên tự chỉnh đốn,“tự soi, tự sửa" về mọi mặt, từ xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân cho đến tăng cường mối gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân đã chọn, nhất là trong bối cảnh, giai đoạn cách mạng mới hiện nay.


Quán triệt quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng “Tự soi, tự sửa", nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có biện pháp khắc phục; kết hợp giữa “xây" và “chống", trong đó “xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng; “chống" là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, vì mục tiêu phát triển, hạnh phúc của Nhân dân. Suốt hơn 90 năm qua, Đảng đã không ngừng tự phê bình, xây dựng, chỉnh đốn nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu, thể hiện bản chất của một đảng mác xít cách mạng, chân chính. Chính vì lẽ đó mà sức mạnh đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân không ngừng được củng cố; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, tăng cường, đất nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhất là sau đổi mới đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ càng được Đảng ta chú trọng, nâng tầm cả về nhận thức, lý luận và thực hiện trong thực tiễn. Sau khi Liên Xô tan rã (8/1991), chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, phong trào cách mạng, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế gặp khó khăn nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Đại hội VII đã xác lập Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh 91), kiên định mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo". Xác định công tác xây dựng Đảng có vai trò then chốt, quan trọng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (2-1992) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 26/6/1992 về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Chính nhờ tự chỉnh đốn kịp thời, quyết tâm chính trị cao mà Đảng ta giữ vững vai trò lãnh đạo, khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền", đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên định, vững bước, đưa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phát huy kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 02/02/1999 về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay". Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, Nghị quyết đánh giá trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm; bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (Ảnh: tư liệu/tuyengiao.vn)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc trong Đảng bộ. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đều nhận thức đúng ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của Trung ương; xem tự phê bình và phê bình là nội dung sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai tổ chức thực hiện; thành lập đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua triển khai thực hiện đã đạt được kết quả tích cực trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của địa phương.

Trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra càng cấp bách. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trung ương đã chỉ đạo thực hiện đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình sâu rộng trong toàn Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, năm 2012, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình sâu rộng trong Đảng bộ, qua đó đề ra kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

Nâng tầm nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ". Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TW; chú trọng thực hiện tự phê bình và phê bình, nhận diện 27 biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên để có biện pháp khắc phục, sửa chữa; đã phê bình, xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm, giữ gìn kỷ luật Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bộ[1]. Đến nay, việc tự phê bình và phê bình đã trở thành việc làm thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

 

Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Ảnh tư liệu/Internet

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá". Kết luận lần này, Trung ương đã mở rộng nội dung và phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị, với mục tiêu: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa “xây" và “chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, ngày càng được Nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về “Những điều đảng viên không được làm". Cùng với các chỉ thị, quy định xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phòng chống tham nhũng, lãnh phí là cơ sở quan trọng về chủ trương, cơ chế, quy định để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Để“Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình" theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, Trung ương đã đề ra nhiệm vụ mở đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa" sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 37-HD/BTGTW, ngày  28/01/2022 về nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị".

Triển khai thực hiện trong Đảng bộ, đợt sinh hoạt chính trị lần này được thực hiện thông qua các kỳ sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi, đảng bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị định kỳ; chú trọng thực hiện một cách sâu sắc vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; đợt kiểm điểm 6 tháng đầu năm và kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên cuối năm; lấy đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa" là trọng tâm; đồng thời kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung cốt lõi Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, triển khai Chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ".

Để triển khai thực hiện tốt đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa", các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về đợt sinh hoạt chính trị xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp giới thiệu, sinh hoạt nội dung cốt lõi một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, ngang tầm nhiệm vụ"; gắn với tuyên truyền triển khai thực hiện quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương về xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Hai là, các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ thực hiện “Tự soi, tự sửa" thông qua sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của cấp uỷ, chi bộ, cơ quan, đơn vị… thảo luận, đề ra nhiệm vụ, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác làm trước; nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm điểm, “Tự soi, tự sửa" lại mình, gia đình mình, đơn vị mình để tự sửa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế, khuyết điểm.

Ba là, việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị phải được chuẩn bị chu đáo, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất; tránh xuê xoa, nể nang, lợi dụng việc kiểm điểm để “đấu đá", “hạ bệ" nhau. Phát huy dân chủ trong Đảng, cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí, thương yêu lẫn nhau nhằm thúc đẩy, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh,... ở địa phương, không phải “đóng cửa" để chỉnh đốn Đảng.

Bốn là, qua sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa", từng cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra kế hoạch khắc phục sửa chữa hạn chế, khuyết điểm gắn với phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng v​iên cuối năm; cán bộ, đảng viên thực hiện gắn với bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân.

Trên tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, các cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa" một cách nghiêm túc nhằm tạo động lực, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đ​ại hội đảng bộ các cấp đề ra./.

 

Nguyễn Thị Xuân Hương - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

 

[1] Báo cáo số 91-BC/TU, ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ".

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay77
  • Tháng hiện tại261,368
  • Tổng lượt truy cập7,198,017
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây