Đông Nam Bộ hướng tới trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước và khu vực

Thứ bảy - 12/11/2022 01:00 221 0

  ​Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra là đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hoàn thiện thể chế, chính sách được xem là những khâu đột phá tạo động lực phát huy sức mạnh liên kết vùng.

 
​Tuyến đường kết nối Bình Phước và Tây Ninh.

Bài 2: Phát triển hạ tầng, hoàn thiện cơ chế tạo động lực liên kết vùng Một giải pháp quan trọng (Tiếp theo và hết)(*)

Hoàn thiện hệ thống giao thông

Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến liên kết vùng Ðông Nam Bộ chính từ mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.

Ðơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy hoạch, thành phố có năm trục đường bộ và ba tuyến vành đai kết nối với vùng Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài trục quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hoàn thành giai đoạn 1, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đang được đầu tư thì các trục kết nối còn lại hiện chưa được nâng cấp mở rộng theo quy hoạch. Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Các tuyến vành đai 2, 3, 4 chưa khép kín. Ðây là nguyên nhân các cửa ngõ và trục kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng... chưa thể hoàn thành đầu tư theo quy hoạch. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo, hình thức, chưa có thể chế dẫn dắt, mỗi địa phương làm một kiểu, manh mún, chưa đồng bộ. Ðiều này không chỉ gây ra sự quá tải về giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ mà còn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của từng địa phương và cả vùng.

Dù thuộc nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm, nhưng cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nhất là hệ thống giao thông kết nối cảng với các khu, cụm công nghiệp trong vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đánh giá, khó khăn lớn nhất trong phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chính là giao thông kết nối cụm cảng này với các khu công nghiệp, khu chế xuất của vùng Ðông Nam Bộ còn yếu, trong đó tuyến quốc lộ 51 hiện là tuyến đường bộ duy nhất nối Bà Rịa-Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Dù dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang được gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công nhưng vẫn rất cần thiết xây dựng một tuyến đường sắt kéo dài từ Biên Hòa qua Cái Mép. Ðại diện các cảng lớn trong cụm cảng như: CMIT, Tân Cảng Cái Mép, Gemalink… cũng khẳng định những hạn chế về giao thông đang là "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của cụm cảng nước sâu này.

Ðối với Bình Phước, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực đã cơ bản hoàn thiện, chỉ duy nhất chưa có tuyến đường nối với Ðồng Nai. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Ðồng Nai mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì tuy khoảng cách địa lý không xa nhưng thiếu các cung đường kết nối, gây cảnh "gần nhà, xa ngõ", đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Chính điều này làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.

Ðể tháo gỡ khó khăn nêu trên, Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định: Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhiều địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông liên kết. Tỉnh ủy Bình Dương đã có chủ trương và quyết tâm thực hiện công tác giải tỏa theo quy mô quy hoạch và thông tuyến các đường vành đai 3, 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đi qua địa bàn Bình Dương trong giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã cân đối, bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và đang phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh. Ðồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy định kỳ hàng tuần nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo tiến độ, cho ý kiến đôn đốc triển khai các dự án, công trình trọng điểm, nội dung trọng tâm để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án đường cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh. Bên cạnh phát huy tốt nhất nội lực, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh những quy định chồng chéo liên quan giữa các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư; có bộ chỉ tiêu thống nhất về kinh tế-xã hội cho cấp tỉnh; tăng đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, đối ngoại khu vực biên giới.

Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, tỉnh Ðồng Nai xác định, sân bay quốc tế Long Thành là động lực, cơ hội phát triển mới cho địa phương và vùng Ðông Nam Bộ. Ðể phát huy lợi thế này, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy sân bay quốc tế Long Thành làm trọng tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, logistics để phát huy lợi thế vùng phụ cận sân bay, tạo động lực phát triển.

Trong đó, thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với khu vực nội tỉnh và cả vùng Ðông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, cảng biển; hình thành trung tâm logistics, khu đô thị khu vực chung quanh sân bay để phục vụ sân bay và các hoạt động thông quan. Ngoài ra, tỉnh phát huy các lợi thế chuẩn bị nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân trong vùng từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ hiện đại.

Ðể phát huy lợi thế này, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy sân bay quốc tế Long Thành làm trọng tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, logistics để phát huy lợi thế vùng phụ cận sân bay, tạo động lực phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh

Thí điểm cơ chế đặc thù, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Ðể giải quyết "nút thắt" về hạ tầng giao thông, xây dựng mối liên kết vùng đồng bộ, chặt chẽ, tạo tiền đề huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế vùng Ðông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ ba giải pháp trọng tâm là: xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng; thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền và thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội...

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã chỉ ra những "điểm nghẽn" về liên kết vùng và định hướng tháo gỡ một cách đồng bộ. Ðể triển khai, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan. Ðầu tiên là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Từ định hướng của Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cũng như nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển vùng...

Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, Ðồng Nai cùng với các địa phương khác trong vùng Ðông Nam Bộ đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kinh tế và nhiều dự án phát triển hạ tầng trong quy hoạch phát triển vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung.

Tuy nhiên, mối liên kết của vùng vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu, đặc biệt là thiếu cơ chế đặc thù trong phối hợp liên kết vùng. Chính điều này đã khiến cho mối liên kết vùng vẫn còn lỏng lẻo, gần như các địa phương trong vùng vẫn đang điều hành, thực hiện theo các chức năng nhiệm vụ trong địa phương là chính. Sự chỉ đạo, điều hành của vùng chưa thật sự rõ ràng, do đó chưa tập hợp được sức mạnh về nguồn lực của từng địa phương, nguồn lực Trung ương phục vụ phát triển chung. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng đạt hiệu quả chủ yếu là sự hợp tác liên kết phát triển song phương giữa các địa phương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, muốn liên kết vùng Ðông Nam Bộ đạt hiệu quả, quan trọng nhất là phải có một cơ chế chỉ huy đủ mạnh, thực sự có quyền lực. Bởi lẽ, quy hoạch thôi thì chưa đủ mà phải có cơ chế chỉ huy toàn vùng. Vùng phải có nguồn lực sử dụng chung phục vụ phát triển vùng, vì nếu không có nguồn lực chung của vùng mà vẫn phát triển dựa trên nguồn lực riêng của từng địa phương thì sẽ không mang lại hiệu quả, không có tính kết nối vùng. Liên kết vùng phải tạo ra động lực cho mỗi địa phương trong vùng. Hợp tác phải mang lại lợi ích, mang lại động lực cho mỗi địa phương thì mới có thể thúc đẩy các địa phương tham gia, hợp tác hiệu quả.

Vừa qua, tỉnh Bình Phước thống nhất với tỉnh Ðắk Nông phương án xây dựng đường cao tốc nối thị xã Gia Nghĩa (Ðắk Nông) với thị xã Chơn Thành (Bình Phước). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, dự án này có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ; mở ra cơ hội phát triển cho cả vùng nói chung, hai tỉnh Bình Phước và Ðắk Nông nói riêng. Tuy nhiên, Bình Phước là tỉnh đang còn nhiều khó khăn cho nên kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm 2022 để đầu tư cho tuyến cao tốc này nhằm rút ngắn thời gian thu phí. Ngoài ra, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Bình Phước, dự án đường Hồ Chí Minh nối dài khi hoàn thành sẽ giúp Bình Phước kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền tây thuận lợi hơn.

Về những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng này, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Trong tương lai quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối Ðông Nam Bộ với ngoại vùng cũng như quốc tế. Sắp tới, Bộ tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành sớm các công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo gỡ "nút thắt" cho khu vực Ðông Nam Bộ.

Ðẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ cũng là giải pháp được hầu hết các địa phương đánh giá cao và tìm cách triển khai hiệu quả nhất. PGS, TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, phân cấp, phân quyền cho các địa phương chính là thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, làm cho các hoạt động chính sách trở nên gần dân hơn, hiệu lực và hiệu quả nhanh hơn. Nhà nước cần thực hiện song song việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương ở giai đoạn đầu dưới dạng là cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề cấp thiết ở địa phương. Về dài hạn, cần hoàn thiện thể chế ở cả ba phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Về nguyên tắc tự chủ tài chính trong phân quyền, các địa phương trong vùng có điều kiện tự chủ về tài chính thì Nhà nước hỗ trợ ít nhưng phân quyền nhiều. Với những vùng nào khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ đi kèm với phân quyền ít hơn.

Về thí điểm các mô hình cơ chế chính sách mới vượt trội, mang tính quốc tế, tạo đột phá phát huy tối đa tiềm năng liên kết vùng, TS Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam nhận định là hoàn toàn phù hợp với điều kiện mới. Tuy nhiên, thể chế liên kết vùng hiện có rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết khi chưa có một chính quyền cấp vùng. Từ đó, nếu trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh hay vùng kinh tế Ðông Nam Bộ thì các bộ, ngành phải thống nhất với tinh thần của Nghị quyết. Nghĩa là cần nghiên cứu, sửa hàng loạt luật, nghị định về phân cấp, phân quyền cho phù hợp. Việc này phải làm ngay và có chất lượng...

Nếu trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh hay vùng kinh tế Ðông Nam Bộ thì các bộ, ngành phải thống nhất với tinh thần của Nghị quyết. Nghĩa là cần nghiên cứu, sửa hàng loạt luật, nghị định về phân cấp, phân quyền cho phù hợp. Việc này phải làm ngay và có chất lượng...

TS Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam

Mới đây, Chính phủ đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, xác định sẽ đồng hành cùng các địa phương vùng Ðông Nam Bộ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra; tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù và phát triển vùng Ðông Nam Bộ; huy động và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng bảo đảm vùng Ðông Nam Bộ phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quốc hội cũng có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, khẳng định rõ nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ; phối hợp cùng Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng.

Ðây là những cơ sở tiền đề quan trọng để vùng Ðông Nam Bộ tiếp tục khai thác tốt các lợi thế về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Từ đó tạo bước phát triển bứt phá, phát huy vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề ra, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

Nhóm phóng viên (nguồn Báo Nhân dân điện tử)

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay8,090
  • Tháng hiện tại139,584
  • Tổng lượt truy cập7,937,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây