Trình hai phương án tổ chức kỳ họp Quốc hội trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19

Thứ tư - 18/08/2021 23:00 74 0

​  Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm nay, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu dự kiến 2 phương án tổ chức.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: QH) 

Tiếp tục phiên họp thứ 2, sáng ngày 18/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật

Về nội dung Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Xem xét, cho ý kiến 5 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể như: Xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước  và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xem xét, quyết định: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn  2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021.

Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn...

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm thực thi các cam kết có liên quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP (có hiệu lực bắt đầu từ 14/1/2022), ông Bùi Văn Cường cho biết,  tại kết luận phiên họp thứ 57 (tháng 6/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm việc với Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất phương án xử lý; trường hợp cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự thì phối hợp chuẩn bị kỹ hồ sơ theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa có đề nghị cụ thể.

Về 02 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa, Chính phủ đã gửi hồ sơ đề nghị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 2. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầy đủ của các nghị quyết để gửi cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 9-2021. Sau khi xem xét, nếu đủ điều kiện thì sẽ bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2.

Đối với một số địa phương khác đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, nếu Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc bổ sung vào dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 2.

 Xây dựng các phương án tổ chức kỳ họp

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Tổng Thư ký Quốc hội nêu dự kiến phương án tổ chức kỳ họp thứ 2.

Phương án 1: Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ (nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp). Dự kiến bố trí thảo luận tổ về các dự án luật, các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, dự thảo Nghị quyết về PVN.

Chia đại biểu Quốc hội tham gia 73 tổ thảo luận, trong đó: khoảng 200 đại biểu Quốc hội ở trung ương: chia thành 10 tổ họp tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở địa phương: 1 tổ/1 địa phương.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 01 ngày dự phòng (Quốc hội làm việc 01 ngày thứ bảy); phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021.

Phương án 2: Quốc hội họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 02 đợt (dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung).

Dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày và dự phòng 01 ngày; trong đó, bố trí Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy.

Trong đó, đợt 1, Họp trực tuyến: 11 ngày (từ 20/10 đến 2/11/2021); có bố trí thảo luận ở tổ (cách chia tổ giống phương án 1).

Đợt 2, họp tập trung: 6 ngày (từ 4 đến 10/11/2021); có bố trí thảo luận ở tổ (cách chia tổ như thông lệ).

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kỳ họp thứ nhất đã kết thúc tốt đẹp, kỳ họp thứ 2 phải tốt hơn kỳ họp thứ nhất. Trọng tâm của kỳ họp này là công tác lập pháp, xây dựng thể chế, phải coi trọng, nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương công tác này, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phương án tổ chức kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần xây dựng các phương án vừa thích nghi điều kiện phòng, chống dịch, vừa cải tiến nội dung, chất lượng./.

 

Tú Giang

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay6,891
  • Tháng hiện tại203,556
  • Tổng lượt truy cập8,001,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây