Sáng ngày 18/5, tại toà nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Vương Ðình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì hội nghị.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Tây Ninh.
Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm và Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền địa phương chuẩn bị công tác bầu cử bảo đảm đúng tinh thần theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước có 63 Uỷ ban Bầu cử cấp tỉnh, 682 Uỷ ban Bầu cử cấp huyện và 10.134 Uỷ ban Bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 Ban bầu cử đại biểu HÐND cấp tỉnh; 6.188 Ban bầu cử đại biểu HÐND cấp huyện và 69.619 Ban bầu cử đại biểu HÐND cấp xã.
Tại hội nghị, Ðại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho biết, tình hình an ninh trật tự các địa phương đều bảo đảm, không có những vụ việc phức tạp, chống phá diễn ra. Trong công tác chuẩn bị bầu cử, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án, bảo đảm mỗi điểm bầu cử đều có cán bộ Công an túc trực.
Về phía Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như các địa phương phải lưu ý đến các phương án bầu cử khi xảy ra mưa lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, để bầu cử đạt kết quả tốt, các địa phương phải phát huy thật tốt vai trò của người uy tín trong làng, bản để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bỏ phiếu đúng quy định.
“Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng dân quân hỗ trợ công an bảo đảm an ninh trật tự tại mỗi điểm bầu cử. Tuy nhiên, phải tăng cường lực lượng bảo đảm đối với những điểm bầu cử có nguy cơ xảy ra điểm nóng, tránh những trường hợp đáng tiếc làm mất ý nghĩa ngày hội lớn của đất nước"- Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.
Các địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị bầu cử trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Hầu hết các địa phương đều làm tốt công tác chuẩn bị. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn.
UBND cấp xã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri theo đúng thời hạn. UBND các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hội nghị hiệp thương đúng quy định, thủ tục, thành phần, thời gian quy định. Công tác tuyên truyền; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ bầu cử… được các địa phương quan tâm, có kế hoạch chuẩn bị chu đáo.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong tổ chức bầu cử, dù tình hình dịch bệnh trong nước vẫn hết sức căng thẳng, phức tạp.
Theo Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, để ngày toàn dân tham gia bầu cử được an toàn, thành công, các địa phương phải chủ động xây dựng các phương án theo tình hình riêng của tỉnh, thành phố; rà soát hoàn thiện, tập huấn kỹ càng các phương án bầu cử khi xảy ra dịch bệnh cũng như sẵn sàng các phương án cho tình huống phức tạp diễn ra như thiên tai, bão lũ, trật tự an toàn xã hội....
Bên cạnh đó, việc tập huấn, bổ sung nhân sự tham gia bầu cử, dự phòng nguồn nhân lực ngay khi có tình huống xảy ra cũng cần được quan tâm. “Các địa phương linh hoạt tổ chức các địa điểm, khu vực bầu cử trong địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, cách ly tập trung. Ðối với những địa phương có nhu cầu bầu cử sớm (như đang cách ly) cần có văn bản cụ thể để Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định ngay" - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Ðình Huệ cho ý kiến.
Các địa phương tiếp tục thông tin truyền thông về bầu cử, chú trọng thông tin ở cơ sở; vận dụng có hiệu quả công tác tuyên truyền trên mạng xã hội; không để các thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, chống phá; bảo quản các tài liệu như biên bản, thùng phiếu, phiếu bầu cử… tránh thất lạc, hư hỏng.
Theo Uỷ ban Bầu cử tỉnh, đến ngày 12/5/2021, trên địa bàn Tây Ninh có 1.010.945 cử tri, giảm 581 cử tri so với ngày 5.5.2021, do một số cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu nơi khác, đi nước ngoài, chết, chuyển đi, chuyển đến...Hiện nay, các địa phương đang phát thẻ cử tri cho công dân, dự kiến thực hiện xong trước ngày 20/5/2021.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tây Ninh đã lên phương án cho việc bầu cử theo các hướng: bầu cử tại điểm cố định (như hiện nay đang chuẩn bị); bầu cử tại nhà và bầu cử theo giãn cách hoặc trong khu cách ly. Các hình thức, phương án được triển khai đến các tổ bầu cử, khu vực bỏ phiếu, bảo đảm bầu cử an toàn, thành công.
N.D
nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc