Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Vì vậy, Đảng luôn kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã nhấn mạnh công tác tư tưởng, lý luận nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI về: Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay (tháng 8 – 1989); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Đại hội VII, năm 1991); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI, XII)… Và đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", trong đó nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước".
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Một số nội dung và phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch:
- Về nội dung chống phá:
Một là, các thế lực thù địch, phản động tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm bác bỏ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đòi thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, chống phá nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Ba là, hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Về phương thức chống phá:
Phương thức chống phá của các thế lực thù địch chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam. Các thế lực thù địch sử dụng Internet và truyền thông xã hội để chống phá; tạo lập các trang giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Triệt để lợi dụng không gian mạng của website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để phát tán thông tin giả mạo, xấu độc, sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống Việt Nam; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ, mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" tác động đến tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp trong xã hội; lợi dụng những hạn chế trong quản lý Nhà nước để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc đường lối; tổ chức các hội thảo đòi xem xét các vấn đề liên quan đến lịch sử... Cách làm của họ âm thầm và lâu dài nhưng tác hại thực sự rất khó lường.
Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tỉnh Tây Ninh trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay:
Một là, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta với những luận điệu sai trái, tinh vi và xảo quyệt nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện về phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị... Trước thực tế đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không dao động trước khó khăn, thách thức, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hai là, cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", để nâng cao nhận thức về nội dung, giá trị cũng như ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện có hiệu quả phương châm: “Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân", xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân như lời Bác đã dạy.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Ba là, cán bộ, đảng viên cần chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch thông qua các trang mạng xã hội. Dù ở cách tiếp cận nào, cấp độ nào, những bài viết khoa học cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp vào thành công của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ đã khiến lượng thông tin ngày càng nhiều, đồng thời đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc thu thập, xử lý thông tin. Tập trung phê phán, lên án cái sai, cái xấu và khẳng định, nhân rộng cái đúng, cái đẹp bằng trí tuệ, khoa học và cách mạng; khắc phục các biểu hiện bàng quan, né tránh khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; xây dựng bầu không khí dân chủ, lành mạnh trong đơn vị.
Bốn là, thực hiện tốt công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên, bởi vì: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"[1] , nhất là người đứng đầu, tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu, trên trước dưới sau, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau" theo đúng tinh thần chỉ đạo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Năm là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, những cán bộ, đảng viên phải là những người có trình độ chuyên sâu về lý luận, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng lập luận, sâu chuỗi các vấn đề, am hiểu về công nghệ thông tin, những người có nhiệt huyết, ý chí quyết tâm cao, luôn hoàn thành tốt công việc được giao cũng như đi đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, định kỳ hằng năm, các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, trong đó chú trọng vào việc nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống, kỹ năng tuyên truyền trong lĩnh vực an ninh tư tưởng, kỹ năng lập luận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên cần bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa gương người tốt, việc tốt, có phản ứng nhanh, linh hoạt, chia sẻ, giải thích cho nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng để cùng tham gia vạch trần âm mưu, hoạt động của chúng. Muốn làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân, hiểu dân và có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân.
Bảy là, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy ý thức tự giác và trách nhiệm tự thân của mỗi người trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận. Quan tâm nghiên cứu và tích cực học tập những vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả.
Có thể nói, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng tinh vi, hiểm độc và sử dụng mọi phương tiện để tiến hành. Vì vậy, để nhận diện chính xác và đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là vô cùng cần thiết, cấp bách. Công việc này sẽ rất khó khăn, lâu dài và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó tiên phong chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thạc sĩ: Bùi Thị Diệp
Trường Chính trị Tây Ninh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.16.
Ý kiến bạn đọc