Nhìn nhận một cách khách quan, về cơ bản, môi trường báo chí của ta đang phát triển đúng hướng, lành mạnh. Thế nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh sự lành mạnh, môi trường báo chí vẫn còn “những vẩn đục, rác rưởi gây ô nhiễm". Cụ thể là, tình trạng một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm điều trái với đạo lý, lương tâm, vi phạm pháp luật. Càng nguy hiểm hơn khi xuất hiện những “nhà báo hai mặt" bị các thế lực thù địch, phản động móc nối, lôi kéo, mua chuộc, lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng
KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhìn lại chặng đường 96 năm đi qua, đội ngũ những người làm báo vinh dự, tự hào và vững tin khẳng định rằng, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam: “Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, Nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng", “tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc".
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Đặc biệt, trong hơn 35 năm đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, đội ngũ những người làm báo nói chung, đội ngũ phóng viên, biên tập viên nói riêng tiếp tục khẳng định là đội quân chủ lực trong tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật nhà nước; định hướng dư luận xã hội, cổ vũ, động viên nhân tố mới, tiến bộ; lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lạc hậu; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới.
Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng các xuất bản phẩm, các chương trình được nâng lên rõ rệt, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức thể hiện. Kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí đã có những bước phát triển nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Mô hình báo chí đa phương tiện ngày càng mở rộng và trở thành xu hướng tất yếu của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự chủ động, nhạy bén chiếm lĩnh trận địa thông tin và tính định hướng dư luận của báo chí ngày càng được tăng cường. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ những người làm báo ngày càng được nâng cao. Các nhà báo, phóng viên đa năng “ba trong một", “bốn trong một" ngày càng nhiều, đáp ứng yêu cầu của nền báo chí truyền thông trong tình hình mới. Trong quá trình tác nghiệp, đại đa số người làm báo luôn quán triệt, bám sát và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí. Đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo được giữ vững. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, nhãn quan chính trị sáng suốt. Đội ngũ những người làm báo là nhân tố quyết định việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam.
THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI
Vị trí, vai trò và những đóng góp của báo chí Việt Nam nói chung và các nhà báo nói riêng vào thắng lợi chung của đất nước, thành quả của cách mạng là không thể phủ nhận. Nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra, báo chí nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng lưu ý là tình trạng xuống cấp đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của một bộ phận những người làm báo. Hằng ngày, chúng ta bắt gặp trên báo chí những thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy bén chính trị, suy diễn, võ đoán, dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách. Đặc biệt là tình trạng “tiền hậu bất nhất" giữa nói và làm, giữa sáng tạo tác phẩm báo chí với phát ngôn trên mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội của không ít nhà báo.
Khi đề cập những nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo, của phóng viên, tại một số kỳ họp Quốc hội khóa XIV nhiều đại biểu cũng tỏ rõ sự bức xúc gay gắt về tình trạng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để làm những điều trái pháp luật. Có đại biểu Quốc hội gọi những nhà báo khi viết bài, sản xuất chương trình cho báo chí chính thống thì viết đúng, nói đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích; đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, nhưng khi tham gia trên mạng xã hội thì lại nói sai, viết sai, bình luận trái, thậm chí bóp méo, xuyên tạc sự thật, đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước là những “nhà báo hai mặt".
Đã có không ít “nhà báo hai mặt" bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp vướng vào vòng lao lý do vi phạm pháp luật, nói và viết trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Điển hình là đối tượng Phạm Thị Đoan Trang. Sinh ra trong một gia đình cơ bản, được học hành tử tế và từng là nhà báo làm việc ở một số cơ quan báo chí, truyền thông nhưng thay vì rèn luyện, phấn đấu để trở thành nhà báo hết lòng cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà, Phạm Thị Đoan Trang đã có những lời nói và hành động đi ngược lại quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp Nhà nước. Được bạn bè, đồng nghiệp góp ý, lãnh đạo các cơ quan báo chí nhiều lần gặp gỡ, nhắc nhở, những tưởng Phạm Thị Đoan Trang sẽ sửa chữa, nhưng đối tượng ngày càng trượt dài trên con đường tội lỗi. Sau khi bị cơ quan báo chí xử lý kỷ luật và buộc thôi việc, đối tượng ngày càng lộ rõ một kẻ coi thường kỷ cương, phép nước. Ngày 6/10/2020, Cơ quan An ninh Điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam Phạm Thị Đoan Trang về tội: “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Ðiều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Ðiều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tương tự, mới đây, Cơ quan An ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Châu Hữu Danh về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trước khi bị bắt, Trương Châu Hữu Danh là phóng viên của một số tờ báo có tiếng. Hay như trường hợp Phan Bùi Bảo Thy, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Mới đây nhất, Trần Thị Tuyết Diệu bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên phạt 8 năm tù giam về tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước khi phạm tội, Trần Thị Tuyết Diệu từng 7 năm là phóng viên Báo Phú Yên. Đó là chưa kể nhiều nhà báo, phóng viên khác lợi dụng nghề nghiệp để nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực đã bị khởi tố, hầu tòa hoặc bị lãnh đạo các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý xử lý kỷ luật với các hình thức, mức độ khác nhau.
ĐỪNG TỰ BIẾN MÌNH THÀNH “NHÀ BÁO HAI MẶT"
Nguyên nhân của tình trạng “nhà báo hai mặt" thì có nhiều, nhưng không thể bỏ qua vai trò, trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản và của người đứng đầu cơ quan báo chí. Điều 15 và Điều 24 Luật Báo chí đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí và người đứng đầu cơ quan báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, thế nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn chưa nghiêm. Đáng chú ý là tình trạng thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị nền tảng lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên... vẫn xảy ra ở một số cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến người làm báo, nhất là phóng viên ở các văn phòng đại diện, thường trú... vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chưa được các cơ quan báo chí tiến hành chặt chẽ, một số sai phạm xử lý chưa kịp thời và thiếu nghiêm minh nên tác dụng giáo dục, răn đe hạn chế.
Bên cạnh đó, không ít nhà báo, phóng viên lười rèn luyện, chưa thực sự quan tâm đến việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Người dân bình thường nói sai, viết sai tác hại một, nhà báo viết sai, nói sai thì tác hại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bởi lẽ, vị trí, vai trò của nhà báo trong xã hội rất quan trọng. Mặt khác, thực tế hiện nay nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa tác phẩm báo chí đăng phát trên các xuất bản phẩm chính thống với thông tin cá nhân mà nhà báo chia sẻ trên không gian mạng. Do vậy, những bài viết, những thông tin mà nhà báo chia sẻ trên mạng xã hội thường thu hút sự chú ý của dư luận... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động đã giăng bẫy để móc nối, lôi kéo, mua chuộc khiến một số nhà báo, phóng viên non kém về bản lĩnh chính trị, mơ hồ ảo tưởng, thiếu cảnh giác đã trở thành con rối để chúng điều khiển chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Như đã đặt vấn đề, báo chí có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội. Vì thế, sự xuất hiện của những “nhà báo hai mặt" là hết sức nguy hại. Không chỉ có hại với chính bản thân các “nhà báo hai mặt" mà những thông tin xấu, độc do họ viết ra, phát tán còn có thể kéo theo sai phạm của nhiều người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường báo chí và sự phát triển của xã hội.
Cần phải khẳng định, nhà báo trước tiên là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có bổn phận tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh trách nhiệm công dân, nhà báo còn có trách nhiệm nghề nghiệp - trách nhiệm của người làm báo. Trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà báo phải luôn song hành, gắn chặt với nhau. Hơn thế, nhà báo là người cung cấp thông tin, làm công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, cổ vũ, động viên Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, do đó, đòi hỏi tinh thần “Thượng tôn pháp luật" ở nhà báo rất cao.
Để ngăn chặn tình trạng “nhà báo hai mặt", những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, chế tài nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí nói chung và quản lý, giáo dục, rèn luyện nhà báo nói riêng. Những nhà báo có biểu hiện “hai mặt" đã được đưa ra kiểm điểm, xử lý.
Nhưng có lẽ đó mới chỉ là những giải pháp tình thế xử lý “phần ngọn" của vấn đề. Nguyên nhân căn bản khiến nhà báo biến chất trở thành “nhà báo hai mặt" là do thiếu tự giác, rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu thường xuyên, không chú ý giữ gìn đạo đức, nhân cách, danh dự của người làm báo.
Đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Bên cạnh những thuận lợi, những yếu tố tích cực, còn có không ít khó khăn, thách thức và nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến nghề báo cũng như hoạt động của nhà báo. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đang tìm cách móc nối, lôi kéo, mua chuộc, lợi dụng các nhà báo nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thực tiễn đòi hỏi đội ngũ những người làm báo nói chung, mỗi nhà báo nói riêng cần nhận thức đầy đủ và ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển của cơ quan báo chí mà mình công tác và lớn hơn, đó là sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Mỗi nhà báo phải nỗ lực cố gắng, phấn đấu, học tập, rèn luyện, tu dưỡng không ngừng cả về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đi kèm với đó, mỗi nhà báo cần nhìn nhận cho rõ ranh giới trách nhiệm của người làm báo với trách nhiệm công dân khi hành nghề cũng như khi tham gia mạng xã hội. Chỉ có như thế, mới không “sẩy chân" vấp ngã, không tự biến mình thành “nhà báo hai mặt" để các thế lực thù địch lợi dụng./.
Phùng Kim Lân
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Ý kiến bạn đọc