Ðừng ném đá vào ngọn núi

Thứ sáu - 04/09/2020 19:00 183 0

   ​Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ở bất kỳ thời đại nào, đều là những “ngọn núi". Do đó, đừng mất thời gian ném đá vào những “ngọn núi" ấy, bởi vì, càng bị ném đá, ngọn núi chỉ càng cao hơn mà thôi.

nem da 1.jpg
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Bác năm 1982 (ảnh VietNam Net)

Trong chiến lược “diễn biến hoà bình", ngoài việc liên tục, thường xuyên tấn công vào thể chế hiện nay, những người thiếu thiện chí không quên nhắm vào những biểu tượng, đó là các vị lãnh tụ tiền bối của cách mạng Việt Nam. Không chỉ vậy, những vị tiền nhân có công lao to lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm ở những thế kỷ trước cũng là mục tiêu của những người muốn hạ bệ, “giải thiêng" thần tượng. Họ đã làm điều đó như thế nào và tại sao họ làm như vậy?

Chuyện xưa

Như có lần đã đề cập, cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một nhà văn, xuất thân là một giáo viên dạy Lịch sử liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, trong đó có một số tác phẩm từng xuất hiện trên báo.

Trước hết, cần nói rõ, ông là một nhà văn có tài, tác phẩm của ông không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn được một số quốc gia chú ý, khen ngợi. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp. Xuất hiện trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa đổi mới, ông thành công quá nhanh, danh tiếng nổi như cồn. Say sưa với những thành công ban đầu, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm văn học.

Trong số đó, có một tác phẩm, nhân vật chính là vua Quang Trung- người anh hùng áo vải cờ đào. Ðối với nhân dân Việt Nam, vua Quang Trung không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là hình tượng đẹp về người anh hùng nông dân.

Thế nhưng, trong tác phẩm của mình, nhà văn, đồng thời là thầy giáo dạy Lịch sử lại miêu tả nhà vua như một tên du đãng, thô tục, hiếu sát. Dưới ngòi bút của nhà văn này, nhà vua không khác gì một tay võ biền, du côn; ông còn cho rằng, vua Quang Trung chết là do bị quả báo bởi gia đình một cô gái.

Nếu xem tác phẩm của nhà văn kia như một bản cáo trạng của “viện kiểm sát" thì đây là một bản cáo trạng quy kết, suy diễn theo hướng có tội, trong khi nhà văn không hề có một bằng chứng xác đáng nào để chứng minh. Không như bây giờ, thời kỳ đó, những tác phẩm văn học, đặc biệt thể loại truyện ngắn đăng trên báo có sức lan toả rất mạnh.

Cũng từ đó và cho đến tận hôm nay, trên các diễn đàn, nhiều người không tiếc lời mạt sát, xúc phạm nhà vua - biểu tượng của người anh hùng áo vải bằng những bài viết, những phát ngôn nặng nề nhất, dù họ không có bất kỳ một chứng cứ đáng tin cậy nào. Sau này, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà vua mất đột ngột ở tuổi 39, rất có thể là do một cơn đột quỵ gây ra.

Cách nay đã nhiều năm, VTV1 công chiếu một bộ phim mà nhân vật chính là một ông quan đại thần thời nhà Trần (thế kỷ XIII). Bộ phim gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, điều này hoàn toàn bình thường, bởi lẽ một tác phẩm văn học hay điện ảnh, nếu ai đọc xong, xem xong cũng “nhất trí cao" thì không có gì để bàn.

Tuy nhiên, khi soi rọi về một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử nào đó cần hết sức thận trọng trong góc nhìn, quan điểm. Nhắc đến điều này, bởi vì khi phát sóng bộ phim, ở góc bên phải phía dưới màn hình ti vi có chạy một dòng đề từ “lịch sử phụ thuộc vào góc nhìn".

Dòng đề từ này đã bị dư luận phản ứng khá dữ dội. Bởi lẽ, lịch sử là lịch sử, lịch sử là khách quan, dù xấu hay tốt, đúng hay sai, lịch sử là những sự kiện đã diễn ra, không ai thay đổi được. Do đó, nhìn nhận, đánh giá lịch sử phải trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan chứ không thể phụ thuộc vào những góc nhìn đậm tính chủ quan.

Ðiều quan trọng hơn, nếu lịch sử phụ thuộc vào những góc nhìn của cá nhân, người ta hoàn toàn có thể bóp méo lịch sử, đổi trắng thay đen, chính tà không còn phân định được. Ðể chứng minh, xin dẫn ra đây một ví dụ, tại một hội nghị bàn về văn học, có một nhà phê bình (không tiện nêu tên) đã phát biểu rằng, chúng ta nên biết ơn nước Pháp, vì nhờ họ Việt Nam mới có đường sắt Bắc Nam, có hạ tầng giao thông.

Nói như vậy, có nghĩa nhà phê bình này thấy cây nhưng không thấy rừng. Lý do, sau khi thôn tính được Việt Nam, thực dân Pháp cho khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông là để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển tài nguyên ở xứ thuộc địa về “nước mẹ đại Pháp" chứ không phải họ bỏ tiền ra phục vụ người Việt như nhà phê bình phát biểu.

Chuyện nay

Năm 1997, mạng internet - một phát minh vĩ đại của loài người bắt đầu hoạt động ở Việt Nam. Cũng từ đây, vì một lý do nào đó, nhiều người thiếu thiện chí, mặc cảm với chế độ bắt đầu gia tăng các hoạt động trên không gian mạng với chiêu bài “tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền", thực chất là hoạt động có tính chất chiến tranh tâm lý.

Một trong những mục tiêu họ nhắm đến chính là những vị tiền bối của cách mạng Việt Nam, tính từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, năm 1930. Theo dõi thời cuộc, không khó nhận thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc là mục tiêu hàng đầu của những người có đầu óc nhỏ nhen, hẹp hòi.

Họ không từ một thủ đoạn nào, từ tinh vi cho đến hạ cấp, hạ tiện nhất để hạ bệ, “giải thiêng" bằng được vị lãnh tụ cách mạng - người đã lãnh đạo cả dân tộc đánh sập chủ nghĩa thực dân không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới.

Chúng ta biết rằng, sau trận Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", năm 1960 - 1961, 17 quốc gia ở châu Phi, lúc đó vẫn là xứ thuộc địa đã đứng dậy lật đổ chủ nghĩa thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, vì thế mới có định danh, năm 1960 - 1961 là “năm châu Phi".

Dấu mốc lịch sử này, các dân tộc bị áp bức, bị chiếm đóng lấy cảm hứng từ chính trận Ðiện Biên Phủ. Không ai khác, chính những người mất ngai vàng, mất bổng lộc và lớp hậu sinh của họ nuôi dưỡng lòng hận thù, liên tục tấn công nhằm hạ bệ cho bằng được người anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn của thế giới- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách nay chỉ một hai ngày, ông Phạm Văn Trà- nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có kể lại với báo chí rằng, năm 2003, khi còn giữ trọng trách Bộ trưởng, ông sang thăm và làm việc tại nước Mỹ. Tại đây, ông cùng đoàn công tác phải trả lời hàng loạt những câu hỏi hóc búa của chính giới Mỹ đặt ra. Trong đó, có câu hỏi: “Tại sao đoàn của các ông lại đến thăm đài tưởng niệm cố Tổng thống Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ?". Ông Phạm Văn Trà trả lời, nguyên văn: “Chúng tôi rất quý trọng cố Tổng thống Washington. Bác Hồ của chúng tôi đã lấy một câu trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ vào Bản Tuyên ngôn độc lập của chúng tôi. Ðó là câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Câu đó phù hợp với dân tộc chúng tôi, chính vì thế chúng tôi quý trọng ông". Sau khi ông trả lời xong, nhiều người Mỹ có mặt đã vỗ tay tán dương.

nem da 2 HC.jpg

Viếng Lăng Bác.

Một chuyện khác, do một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Uỷ ban Ðối ngoại của Quốc hội kể lại, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hoá ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945.

Trước khi vào viếng Lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi". Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do". Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.

Cả hai câu chuyện dẫn lại ở trên mới chỉ xuất hiện cách nay vài ngày trên báo chí nước ta, có cả hình ảnh nhân vật của sự kiện. Một điều nữa cũng cần nói, Tuyên ngôn độc lập - áng thiên cổ hùng văn có một câu rất tinh tế, đó là câu Bác nói: “.... suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng....".

Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chỉ nói “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng", trong khi Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam khẳng định không chỉ “mọi người" bình đẳng mà mọi dân tộc đều bình đẳng. Ðây là một thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các đại cường lúc đó, rằng mọi dân tộc, quốc gia đều có quyền bình đẳng như nhau, các ông đừng rắp tâm xâm chiếm đất nước chúng tôi!

Dẫn ra những điều trên, chỉ muốn chân thành nói với những người ngoảnh mặt với sự thật rằng, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ở bất kỳ thời đại nào, đều là những “ngọn núi". Do đó, đừng mất thời gian ném đá vào những “ngọn núi" ấy, bởi vì, càng bị ném đá, ngọn núi chỉ càng cao hơn mà thôi.

Việt Ðông

Nguồn BTNO

 


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay1,792
  • Tháng hiện tại278,482
  • Tổng lượt truy cập6,589,074
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây